Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8
Nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4), Trường Tiểu học Lê Lợi đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi vừa phù hợp với tình hình thực tiễn vừa đảm bảo được việc khuyến khích cán bộ giáo viên, học sinh đọc sách.
Thực hiện công văn số 591/UBND-VHTT ngày 06/4/2021 của UBND Thị xã Sơn Tây về việc tuyên truyền, tổ chức hoạt động phát triển văn hóa đọc; Kế hoạch số 75/KH-THLL ngày 08/4/2021 của Trường Tiểu học Lê Lợi về việc Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4/2021;
Có thể nói, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Và từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển của viễn thông, truyền hình và đặc biệt là công nghệ thông tin, phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Song, công nghệ thông tin không thể thay thế cho sách. Với ưu thế đa dạng, tiện lợi, sách có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi và ai cũng có thể sử dụng được. Hơn nữa, việc cầm trên tay một cuốn sách bằng giấy vẫn có nhiều sự thú vị rất riêng của nó nhất là khi đó là cuốn sách mà mình yêu thích. Đọc sách còn thể hiện nét văn hoá trong đời sống, đặc biệt là trong đời sống học đường.
Hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam” lần thứ 8, ngày 19/4/2021, trường Tiểu học Lê Lợi tổ chức tuần lễ “Ngày Hội đọc sách”. Đây là hoạt động nhằm khơi dậy “văn hóa đọc”, tôn vinh giá trị của sách. Trong tuần lễ hưởng ứng, trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, các em lại tiếp tục góp sách truyện làm phong phú cho tủ thư viện của lớp, của trường. Nhà trường đã phát động phong trào đọc sách tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh cũng như tổ chức giới thiệu sách, hướng dẫn kỹ năng đọc, kỹ năng tìm kiếm thông tin, truy cập các trang Website của các báo, tạp chí điện tử; các kênh Youtube, Facebook phù hợp với tâm lý lứa tuổi và tình hình thực tiễn.
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, nhu cầu về văn hóa đọc ngày càng được nâng cao, hi vọng phong trào đọc sách sẽ càng được nhân rộng hơn nữa, được quan tâm và đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, về các tài liệu trong thư viện, nhằm đáp ứng phong trào học tập nói chung và hoạt động thư viện nói riêng. Mục đích để góp phần nâng cao văn hóa đọc trong các nhà trường và toàn xã hội.